top of page

“Make in Viet Nam” và giải pháp đến từ các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo

“Make in Viet Nam” là lời hiệu triệu cho sự chủ động sáng tạo, thiết kế các sản phẩm công nghệ cao của người Việt. Đồng hành với các startup cần nhấn mạnh đến giá trị quan trọng từ các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo.


Anh Nguyễn Minh Đức - CEO CyRadar Cty phát triển Safe Mobile. Ảnh: NVCC

Thực tiễn khốc liệt

Khái niệm “Make in Viet Nam” lần đầu tiên được đưa ra bởi Chính phủ Việt Nam vào năm 2019, trong đề xuất chiến lược phát triển kinh tế cấp quốc gia. Chiến lược “Make in Viet Nam” được xây dựng dựa trên bối cảnh Việt Nam đang phần lớn chỉ gia công, lắp ráp, sử dụng các sản phẩm dựa trên sáng tạo, thiết kế của nước ngoài.

Các sản phẩm khi đi ra thế giới sẽ được gắn mác “Made in Viet Nam” nhưng đó không phải dựa trên trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt.

Các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân khởi nghiệp cần phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, phát huy trí tuệ Việt Nam để giải các bài toán mang đặc thù Việt Nam. Giá trị gia tăng nội địa vì thế cũng sẽ cao hơn so với việc chỉ đơn thuần là gia công, lắp ráp.

Song ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo dù có được đánh giá ban đầu tốt đến đâu cũng sẽ luôn gặp phải khó khăn, thử thách thực sự khi ứng dụng trong thực tế. Thất bại bởi vậy lại đang chiếm phần lớn.

Tại Việt Nam, tỉ lệ thành công của startup chỉ là 3% và cũng chỉ dưới 5% được đón sinh nhật lần thứ 2. Ngoài những nguyên nhân thất bại do thiếu vốn để duy trì vận hành doanh nghiệp và vấn đề quản trị nhân lực, nguồn lực thì phải nhấn mạnh tới việc thiếu kinh nghiệm thực tiễn và sự dẫn dắt chỉ lối, những bài học thất bại của những chuyên gia, những người đi trước.

Kinh nghiệm thực tiễn đa phần sẽ phải đánh đổi bằng thất bại, song không phải startup nào cũng có thể làm lại sau thất bại. Những cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo từ đó nổi lên như “chiếc phao cứu sinh” cho các startup.

Không chỉ được nhận xét, đánh giá, góp ý từ các chuyên gia đầu ngành, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các startup khi tham dự cuộc thi khởi nghiệp sẽ được trải nghiệm thực tế, gia tăng kinh nghiệm nhưng không phải đánh đổi bằng nguồn vốn ban đầu nhỏ bé của doanh nghiệp.


Những starup của anh Nguyễn Bách Việt có giá trị đóng góp cho xã hội. Ảnh: NVCC

“Bệ phóng” cho các startup

Anh Nguyễn Bách Việt và “đứa con” VIoT đã trưởng thành và hưởng lợi từ cuộc thi tìm kiếm giải pháp khởi nghiệp sáng tạo Viet Solutions 2021.

Sau thời gian dài sinh sống và làm việc tại nước ngoài, anh Bách Việt đã quyết tâm về nước để tập trung phát triển thiết bị điều khiển đèn đường thông minh tích hợp quan trắc không dây ứng dụng trong phát triển thành phố thông minh để tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng cho đô thị. Nhờ hệ thống này, các thành phố thông minh có thể tiết kiệm từ 65 – 70% tổng điện năng tiêu thụ.

Anh Việt cho biết, cuộc thi Viet Solution rất được nhiều người, đặc biệt là trong cộng đồng startup công nghệ tại Việt Nam biết đến không những vì quy mô cuộc thi mà còn là cơ hội được đầu tư, tham gia vào hệ sinh thái của tập đoàn Viettel để hợp tác bán hàng.

Chỉ mất 3 tháng, tập đoàn VIoT của anh Việt đã xúc tiến hợp tác kinh doanh với 5 công ty thành viên của tập đoàn Viettel tại các tỉnh thành phố và đang nhân rộng thêm mô hình tiềm năng này. Doanh thu dự kiến trong năm nay sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2021.

Cùng tham dự Viet Solutions 2020 và có mặt trong Top 3 giải pháp xuất sắc là anh Nguyễn Minh Đức với giải pháp Safe Mobile. Đây là ứng dụng giúp bảo vệ truy cập của trẻ em trên không gian mạng, điều chưa được chú trọng ở Việt Nam, trong khi trên thế giới đây luôn là ưu tiên hàng đầu của mỗi gia đình.

SafeMobile cũng đồng thời giúp các vị phụ huynh quản lý được hạn mức sử dụng thiết bị và Internet của con, tránh bị lạm dụng gây hiện tượng nghiện, ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ nhỏ.

Anh Đức cho biết trong suốt 2 năm hợp tác vừa qua với tập đoàn Viettel, nhờ những ý kiến góp ý, thắc mắc, đề xuất của đại diện Tập đoàn, CyRadar đã có những cải tiến để tối đa hóa ưu điểm cũng như khắc phục trải nghiệm chưa ưng ý. Nhu cầu thực sự của người dùng được bộc lộ rõ ràng hơn nhờ trải nghiệm thực tế của người dùng thực sự (không phải đối tượng thử nghiệm).

Có thể thấy, những giải pháp khởi nghiệp sáng tạo như của VIoT và Safe Mobile đã và đang thực sự phát huy trí tuệ Việt Nam để đưa ra giải pháp cho các bài toán mang đặc thù Việt Nam. “Make in Viet Nam” từ đó được hiện thực hóa từ chiến lược phát triển kinh tế cấp quốc gia của Chính phủ Việt Nam.


Cuộc thi tìm kiếm giải pháp khởi nghiệp sáng tạo Viet Solutions đang bước sang năm thứ 4, với nhiều sự thay đổi mang tính đột phá. Với chủ đề “Vững vàng thực chiến - Sẵn sàng thành công”, cuộc thi sẽ tập trung vào vấn đề thực chiến, thực sự trở thành người bạn đồng hành, người dẫn dắt chỉ lối cho các startup trên con đường chông gai đi đến thành công, không chỉ trong mà cả sau khi cuộc thi đã hoàn thành.
Viet Solutions 2022 đang tiếp nhận hồ sơ tham dự trực tuyến thông qua website chính thức của chương trình cho đến hết ngày 10.9.2022.

Theo Báo Lao Động Trẻ



30 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page